Khối u biến dạng đeo bám người phụ nữ nửa đời người

Khối u biến dạng đeo bám người phụ nữ nửa đời người
Khối u biến dạng đeo bám người phụ nữ nửa đời người

Khối u biến dạng đeo bám người phụ nữ nửa đời người

Mang khối u mạch máu khổng lồ trên mặt suốt 30 năm, người phụ nữ dần chấp nhận cảnh “sống chung với lũ”. Nhưng cuộc sống luôn xuất hiện kỳ tích. Điều này đã đến với chị, sau hàng thập kỷ chờ đợi, nhờ đội ngũ y bác sĩ tâm huyết, sẵn sàng mạo hiểm và cả sự tương trợ của những mạnh thường quân giấu mặt.

Cơ duyên

Khuôn mặt biến dạng vì những khối u lớn nhỏ đeo bám chị Nguyễn Thị Kim Hoa (sinh năm 1965, ngụ xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) già nửa cuộc đời.

Căn bệnh kỳ lạ này đã manh nha từ nhỏ, nhưng chỉ sau khi lập gia đình khối u mới ngày một lớn, lấp dần mắt trái. Năm đó chị 25 tuổi, tương lai phía trước bỗng sụp đổ vì căn bệnh quái ác. Dù đi khám nhiều nơi, việc điều trị cũng không khả quan.

Mặc cảm ngày càng lớn, trong khi kinh tế khó khăn, con thơ dại, chị Hoa khép lại hy vọng chữa bệnh, vội vã với gánh nặng mưu sinh. Thương vợ chịu cảnh đau nhức, anh Trần Khải Hoàng (SN 1965, chồng chị Hoa) dặn lòng bằng mọi giá phải tìm kiếm cơ hội cho chị.

Để có tiền, anh cắn răng bán mảnh đất hương hỏa của cha mẹ để lại cho 3 anh em. 2 công đất (2.000m2) được ngã giá 220 triệu đồng. Sau khi chia đều, cầm hơn 70 triệu đồng, vợ chồng anh trả nợ tiền mượn trước đó để lo thuốc men. Số còn lại khoảng 30 triệu đồng dành làm lộ phí.

Trước khi phẫu thuật, mắt của chị Hoa bị che lấp do khối u tràn xuống mặt

Năm 2015, lên TPHCM, cơ duyên giúp vợ chồng anh gặp TS.BS Trần Chí Cường. Khi đó, lần đầu tiên chị Hoa được biết đến tên căn bệnh mình mắc phải. Qua thăm khám, bác sĩ xác định chị bị dị dạng mạch máu não ở mặt và trán bẩm sinh làm khuôn mặt đau nhức, nghe rõ cả tiếng kêu trong lỗ tai vì mạch đập và rung do máu lưu thông quá nhanh.

“Số tiền ít ỏi gom góp được ở quê cũng không đủ với ca phẫu thuật tính đến trăm triệu đồng. Vợ chồng tôi bần thần vì không biết lấy đâu chi phí để chữa trị. May mắn được các mạnh thường quân hỗ trợ, rồi BS Cường thương tình cho hoàn cảnh nên tự bỏ tiền túi cho vợ chồng tôi 2 stent nhập từ Nhật. Tôi còn nhớ như in, 2 stent đó giá đến 52 triệu đồng. Kỳ sau mổ, bác sĩ lại hỗ trợ tiếp 2 stent nữa” – Anh Hoàng kể.

Năm đó, chị Hoa được can thiệp nội mạch tại Bệnh viện Trưng Vương. Sau đó, tại Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang (quận 2 – TP Thủ Đức bây giờ), chị được kiểm soát mạch dị dạng với 20 nhánh.

Kiệt quệ

Yên ổn chưa được bao lâu, năm 2020, khối u tái phát, hoại tử chảy mủ hôi, chị Hoa lại rơi vào bế tắc một lần nữa. Nhiều năm chạy chữa cho vợ, công việc bấp bênh, đến tấc đất cắm dùi cũng ra đi theo hành trình điều trị, gia đình anh Hoàng kiệt quệ. Hơn nữa, “nhiều bệnh viện cùng từ chối điều trị vì đây là ca mổ khó, cơ hội không cao” – chị Hoa nhớ lại.

Gia đình đánh mất số liên lạc với bác sĩ Cường, nên cũng không thể xin ý kiến chuyên môn. Những tưởng lần này sẽ buông xuôi, cơ duyên lại viết tiếp một lần nữa, khi anh Hoàng nhận được cuộc gọi thăm hỏi của BS.CK2 Ngô Minh Tuấn – trước đó là Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đã cùng TS.BS Trần Chí Cường điều trị cho chị Hoa.

Nối cuộc gọi với ân nhân cứu vợ mình khi xưa, anh Hoàng – chị Hoa vẫn lần lữa tái khám vì lo sợ đủ điều, nặng nhất là viện phí. “Biết gia cảnh nhà tôi khó khăn, bác Cường đã động viên rất nhiều. Bác nói – hãy cứ đi khám để tìm cách chữa trị cho chị, anh chị đừng lo tiền bạc, tôi đứng ra tôi làm. Nếu quá sức, tôi xin quyên góp không được thì sẽ cùng anh chị trải manh ở cầu Cần Thơ xin bà con mình giúp đỡ. Yên tâm nha” – hai chữ “yên tâm” của bác sĩ lúc bấy giờ đã vực lại niềm tin cho vợ chồng anh Hoàng.

Khi đó, TS.BS Trần Chí Cường đã trở thành giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, điều trị đột quỵ đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long). Nhập viện, gia tài của hai vợ chồng ngót nghét 6 triệu đồng. “Trong 2 tháng an dưỡng tại bệnh viện để theo dõi, bác Cường đã sắp xếp mọi thứ cho vợ chồng tôi. Từ thuốc men, ăn ở đều được bệnh viện chi trả. Bác còn hội chẩn, mời chuyên gia về mổ cho vợ tôi” – anh Hoàng xúc động chia sẻ.

Ngày 22/6/2020 – thời khắc khó quên với anh Hoàng, chị Hoa. Chị vào phòng mổ, anh không ngừng cầu nguyện dưới chân mẹ Quan Âm. Đứng trước ca mổ khó, khi đó, ê-kíp phẫu thuật do TS.BS Phạm Minh Ánh – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phụ trách dự trù 10 đơn vị máu, dự kiến kéo dài đến 8 tiếng. Vậy mà, cuộc đại phẫu kết thúc sớm và thành công hơn dự kiến, chỉ mất 3,5 giờ đồng hồ với 4 đơn vị máu. Khối u lấy ra nặng hơn 2kg.

TS.BS Phạm Minh Ánh và ê-kíp tiến hành can thiệp – phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vào tháng 6/2020

TS.BS Phạm Minh Ánh chia sẻ về ca phẫu thuật đặc biệt này: “Bản thân khối u máu lớn này ở vị trí vô cùng nguy hiểm. U máu vùng trán nhưng nó lại được cấp máu không chỉ động mạch cảnh ngoài mà còn từ động mạch mắt, tức là khối u được cấp máu từ trong nội sọ đi ra nuôi u.

Nếu việc cầm máu không hiệu quả, sẽ dẫn đến tình trạng mất máu quá nhiều, bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Vì thế, trước khi tiến hành phẫu thuật (mổ hở), bệnh nhân đã được tiến hành can thiệp nút mạch tức làm giảm lượng máu vào nuôi u. Từ đó, giúp cho việc mổ hở cắt các khối u được dễ dàng và thuận lợi hơn”.

Nhận tin ca phẫu thuật thành công, nhìn thấy khối u biến mất trên gương mặt vợ, anh Hoàng lẫn lộn cảm xúc. “Lúc đó chỉ nhìn thấy bả, không còn biết ai xung quanh nữa. Lúc đến thì nặng nề, nhưng lúc nhìn băng ca đẩy ra ngoài, tâm mình thấy nhẹ bỗng. Mừng, rất mừng” – người đàn ông ngoài 60 xúc động nói.

Chị Hoa cũng nói rằng, đó là giây phút mà cuộc đời chị sẽ không bao giờ quên: “Khi tỉnh dậy, nhìn lên thấy bóng đèn trên trần bệnh viện, tôi nghĩ thầm trong bụng, trời ơi vậy là mình sống rồi. Ai cũng nghĩ tôi sẽ chết nếu mổ, vì đó giờ không bác sĩ nào dám làm vậy”.

Ca phẫu thuật thành công, niềm vui không chỉ đến với gia đình, bà con chòm xóm nơi chị Hoa, anh Hoàng sinh sống, mà còn với tất cả các thành viên trong Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Bởi nơi đây không ai không biết đến đôi vợ chồng kiên trì chiến đấu với bạo bệnh.

Khối u nặng khoảng 2kg cắt ra khỏi cơ thể chị Hoa

Hồi sinh

Đại diện bệnh viện trao lại số tiền hỗ trợ từ Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho gia đình anh Hoàng, chị Hoa trước cuộc phẫu thuật

Tất cả chi phí điều trị của chị Hoa năm đó được Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ sáng lập chi trả. Tháng 4/2023, gặp lại chị Hoa, khối u trên mặt đã biến mất, gương mặt gần như bình thường.

Hơn 30 năm sống trong thấp thỏm với nhiều khối u mà chị Hoa ví như “quả bom nổ chậm”, gia đình anh Hoàng luôn xem cơ duyên gặp gỡ BS Cường và được các mạnh thường quân của Quỹ giúp đỡ là phước lành.

Chị Hoa nhớ lại về hành trình phẫu thuật khối u, trả lại gương mặt như một sự kỳ diệu mà cuộc sống có những người tốt như BS Cường, BS Tuấn, BS Ánh cùng nhiều mạnh thường quân đã trao tặng cho chị

“Hôm nay khuôn mặt tôi được vậy là điều kỳ diệu, tất cả là nhờ các y bác sĩ, đặc biệt là BS Cường và các mạnh quân. Trong suốt quá trình nằm viện, hễ có ai đóng góp cho vợ chồng tôi, Quỹ đều thông báo công khai, rõ ràng. Ai gửi bao nhiêu là minh mạch bấy nhiêu. Trân trọng tấm lòng của mọi người đã thương vợ chồng tôi” – chị Hoa bày tỏ.

May mắn lớn nhất của chị Hoa, có lẽ là có người chồng đồng cam cộng khổ, không bỏ cuộc trong suốt hành trình chữa bệnh. Mảnh đất không còn, dù giờ đây phải sống tạm nhà con dâu, kiếm từng đồng nhờ mớ rau từ đám ruộng đi thuê thì anh chị vẫn luôn trân trọng, biết ơn vì được sống, được đồng hành cùng nhau.

Cuộc sống hiện tại nhiều khó khăn, việc trồng rau chỉ mang lại thu nhập 4.000.000 đồng/ tháng cho cả hai vợ chồng, nhưng nhiêu đó cũng đủ khiến anh chị hạnh phúc vì được sống, được làm việc

Những năm tháng túng quẫn qua đi, anh Hoàng, chị Hoa đều hiểu, cái nghèo đẩy người bệnh đến vực sâu như thế nào. Vì vậy, anh chị hy vọng, Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển hơn nữa, để giúp thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn được sống và trả lại cho đời những điều tử tế.

Hướng về đêm nhạc gây quỹ từ thiện S.I.S – Chọn sống khỏe – Chọn sẻ chia

Với người nông dân, đất đai gắn liền với khúc ruột. Người ta sống chết cũng vì đất và phải bám lấy đất. Câu chuyện như gia đình anh Hoàng, chị Hoa bán đất để chữa bệnh không hiếm.

Đứng trước đột quỵ, đặt giữa lằn ranh sinh tử của người thân, nhiều gia đình nguyện bán cả gia tài để “còn nước, còn tát”. Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra đời như phao cứu sinh, trở thành điểm tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh.

Sau gần 3 năm hoạt động, tính đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 1.000 bệnh nhân, với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nghèo bị đột quỵ cần đến sự bảo trợ về tái chính luôn vượt quá nhiều lần số dư của Quỹ.

Để có thêm kinh phí giúp đỡ những trường hợp khó khăn, Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện Chọn sống khỏe, chọn chia sẻ vào ngày 6/5/2023 với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn ra tại Hội trường RÙA – Đại học Cần Thơ.

Toàn bộ số tiền thu được từ lợi nhuận của đêm nhạc sẽ được Quỹ tiếp tục ươm mầm nhân ái, góp phần quan trọng hồi sinh, trao cuộc sống mới cho những hoàn cảnh khó khăn không may bị đột quỵ.

Mọi đóng góp của bạn đọc xin gửi về:

Tên tài khoản: Quỹ Từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Số tài khoản Việt Nam Đồng: 1015.78.78.79

Số tài khoản ngoại tệ: 1015.78.79.79

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ – Phòng giao dịch Ninh Kiều.

Địa chỉ: Số 49-51 Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Share:

Leave your comments