2% cơ hội sống và sự trở về ngoạn mục của cậu bé 4 tuổi bị đột quỵ

2% cơ hội sống và sự trở về ngoạn mục của cậu bé 4 tuổi bị đột quỵ
2% cơ hội sống và sự trở về ngoạn mục của cậu bé 4 tuổi bị đột quỵ

2% cơ hội sống và sự trở về ngoạn mục của cậu bé 4 tuổi bị đột quỵ

Bạn sẽ làm gì khi người thân đứng trước cửa tử, vỏn vẹn 2% cơ hội sống với số tiền viện phí lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi túi chỉ còn 2 triệu đồng tích cóp? Trải qua thời khắc sinh tử của đứa con trai 4 tuổi, vợ chồng anh Võ Quốc Phong (xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nguyện bán mọi thứ, kể cả một phần thân thể của mình để đánh đổi cơ hội sống mong manh đó.

1. Bi kịch ập đến

Đột quỵ xảy ra trong một khoảnh khắc, nhưng có thể đẩy một gia đình đứng trước bi kịch. Cậu bé Võ Tấn Lộc 4 tuổi, giây trước còn hoạt bát, giây sau đã chống chọi với tử thần. Những hình ảnh đó như thước phim quay chậm trong ký ức của anh Phong khi nhắc về cơn thập tử nhất sinh của cậu con trai.

Cuối tháng 7 năm 2022, Lộc lên cơn sốt, nôn, tiêu chảy nên gia đình đưa đến một bệnh viện nhi điều trị, với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, thiếu máu trầm trọng. Song, không có tiền, vợ chồng anh Phong dự tính buôn bán thêm một vài hôm sẽ đưa Lộc quay lại truyền máu.

“Tích cóp được 2 triệu đồng từ tiền bán đồ mủ, dự định đầu tuần đưa con vào viện. Chưa kịp thực hiện đó, ngay trong đêm bé không ăn được, cho uống hộp sữa cũng ọc ngay. Sau đó lên cơn sốt, mắt con trợn trắng, co giật, tay chân cứng ngắc, gọi thì chỉ nhướn mắt lên nhìn. Vợ chồng tôi sợ quá nên chở đi cấp cứu ngay” – anh Phong nói.

Đó là đêm dài nhất của vợ chồng anh Phong. Kết quả chụp CT xác định bé Lộc bị xuất huyết não, anh Phong chết lặng. “Trước khi nhập viện, con hay than đau đầu, nhưng gia đình chỉ nghĩ do thiếu máu, không ngờ lại nặng đến vậy”.

Tình huống nguy kịch, chỉ còn cách chuyển viện. Trong suy nghĩ anh Phong lúc đó chỉ biết rằng, phải đến bệnh viện gần nhất, có thế mới cứu được con. “Khi đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là gần nhất. Xe lăn bánh đến bệnh viện cũng là lúc con ngừng thở. Bác sĩ nhanh chóng kích nhịp tim” – anh Phong nhớ lại.

Tại khoa Cấp cứu, bé Lộc luôn trong tình trạng mê man. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Do cơ thể bé còn nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông và kỹ thuật can thiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Cơ hội sống chỉ 2%. Chi phí để phẫu thuật 80 triệu đồng” – Đó là tất cả những gì còn đọng lại trong tâm trí vợ chồng anh Phong ngay lúc đó. Đặt bút ký cam kết phẫu thuật, trong lòng đôi vợ chồng rối ren. Khi đó, trong người chỉ có 8 triệu đồng, nhưng đây cũng là số tiền vay mượn mới có được.

Từ một cậu bé ốm nhom, chỉ có 2% cơ hội sống, nay bé Lộc đã hồi phục kỳ diệu, thoát khỏi án tử một cách ngoạn mục

2. Bán cả gia tài

Vợ chồng anh Phong muộn con, 40 tuổi mới có bé Lộc. “Nghe bác sĩ nói, bé có thể sẽ ra đi hoặc sống thực vật suốt đời nếu không vượt qua được cuộc phẫu thuật, vợ chồng tôi không còn thiết sống nữa. Nhưng dù vậy, cơ hội sống có mong manh thì gia đình cũng không ngừng hy vọng, tìm kiếm mọi phương cách để cứu con”.

80 triệu đồng là một con số quá lớn với đôi vợ chồng buôn gánh bán bưng, vừa nuôi con nhỏ, vừa là chỗ dựa cho mẹ già cùng người cha tai biến mất sức lao động nhiều năm. Anh Phong vay mượn khắp nơi, trong nhà có gì bán nấy. Nhưng gia tài của gia đình Anh Phong cũng không nhiều nhặn gì.

Căn phòng 3,5m2 cũng là vay mượn xây trên đất ba má vợ. Tủ lạnh, máy giặt, chiếc xe cũ mèm cũng lần lượt ra đi. Đến cả “cần câu cơm” cùa gia đình là chiếc xe ba gác với hàng đống đồ mủ 5.000 – 10.000 đồng/ cái anh cũng đem bán để lấy tiền chạy chữa cho con.

“Quê tôi ở An Khánh, nghỉ học từ nhỏ, nấu rượu cùng mẹ. Sau này đi theo anh em buôn bán đủ thứ, chủ yếu là đồ mủ, từ sọt, rổ, thau đến nồi. Bán dạo là chính, vì không đủ vốn để sang sạp. Dành dụm được chút đỉnh, mua được xe ba gác để buôn bán thuận tiện hơn thì bé Lộc lâm bệnh. Khi đó, tôi sang lại hết, được bao nhiêu hay bấy nhiêu” – Anh Phong nói.

Ngoài số tiền lo thuốc men cho con trai, vợ chồng anh Phong còn chăm sóc cho ba mẹ bị tai biến nhiều năm trước

Bán hết mọi thứ, số tiền phẫu thuật vẫn còn xa vời với gia đình anh. Có đêm suy nghĩ, anh lóe lên, nếu bán đồ ở nhà, vay mượn không đủ sẽ bán máu, “được đồng nào hay đồng đó”. Gánh nặng viện phí ghì chặt đôi vai người trụ cột gia đình.

Giữa lúc chênh vênh vì chi phí phẫu thuật vượt quá khả năng chi trả, gánh nặng này của gia đình anh Phong đã được Quỹ Từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ sáng lập chia sẻ, cùng gánh vác. Khi nhận được thông tin về hoàn cảnh của bé Lộc, Quỹ từ thiện đã nhanh chóng trao cho gia đình hơn 21 triệu đồng để thân thân, bệnh nhân yên tâm điều trị.

Anh Phong xúc động cho biết: “Tôi biết ơn Quỹ từ thiện, Bệnh viện S.I.S lắm. Khi chưa có tiền, các bác sĩ la lên, cứu người là quan trọng. Cứ cứu bé trước rồi tiền bạc tính sau. Hôm đó, bé Lộc được mổ trước, rồi qua hôm sau nhà tôi mới gom góp được một ít tiền tạm ứng. Sau đó, lại được hỗ trợ của Quỹ. Nếu không nhà tôi sẽ sụp đổ hoàn toàn”.

Vượt qua cơn thập tử nhất sinh, giờ đây Lộc được đi học, còn lanh lợi phụ giúp bà và ba mẹ chăm ông

3. “Nếu không có S.I.S, không có mạnh thường quân, con tôi mất rồi”

Đẩy con vào phòng phẫu thuật, 9 tiếng bé Lộc cùng bác sĩ giành giật sự sống cũng là chừng đó thời gian gia đình anh Phong chờ đợi trong thấp thỏm. Vợ chồng anh Phong thầm nguyện cầu đánh đổi tuổi thọ 10 năm, 20 năm, xuống tóc ăn chay để phẫu thuật thành công, để con được sống.

“Khi đó, chỉ biết ngóng về phòng phẫu thuật, thao thức cả đêm. Đợi, ngoài đợi thì không biết làm gì khác. Khi BS Huy, người trực tiếp tham gia ca mổ ra thông báo, dù vẫn còn nguy hiểm nhưng phẫu thuật thành công. Giây phút nghe tin, vợ chồng tôi trào nước mắt, sống dậy niềm hy vọng, bé con có cơ hội rồi”.

Quỹ Từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ sáng lập chia sẻ gánh nặng cùng gia đình bé Lộc. Ảnh tư liệu

Những ngày sau đó vẫn là một hành trình dài với gia đình anh Phong. Mỗi ngày được thăm bé một lần. Lần nào vào vợ chồng anh cũng đều thủ thỉ với con. “Hôm đầu tiên, con không nhúc nhích, nói gì cũng không phản ứng, nhưng tôi luôn nói, bé Lộc ráng tỉnh dậy với ba. Đến bữa thứ hai, vào thăm thấy tay con co bóp, nắm tay mình. Vợ chồng tôi mừng rơn.

Rồi đến ngày thứ ba, nói với con – bé Lộc ráng cố gắng về với ba mẹ, thì bé đã nhướng mắt lên. Bác sĩ nói con có tiến triển tốt lắm. Trong vòng 5 ngày, con đã mở mắt gọi ba mẹ được. Khi tỉnh dậy, con khóc dữ lắm. Không từ ngữ nào có thể diễn rả được niềm hạnh phúc của gia đình tôi lúc đó.

Trước khi mổ, bác sĩ tư vấn bé có thể sống là người thực vật. Thực sự nếu lúc đó bé không qua khỏi, vợ chồng tôi không biết thế nào, vì gắng lắm mới có mụn con. Nhờ có Quỹ Từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và bác sĩ của S.I.S Cần Thơ, bé Lộc mới được sống và trở về với vợ chồng tôi. Nếu không phải S.I.S, không có các mạnh thường quân thì có lẽ bé Lộc đã mất rồi, nơi đây như người sinh ra con tôi lần thứ hai” – anh Phong bật khóc.

4. Bằng mọi giá cho con đến trường

Căn nhà sập xệ, gió lùa qua từng miếng mái tôn dột nát

Trở về với cuộc sống thường nhật, dù bắt đầu lại với hai bàn tay trắng, gói ghém từng đồng chăm lo cho gia đình nhỏ, nhưng anh Phong khiến người đối diện cảm nhận được sự lạc quan.

Hằng ngày, với kế sinh nhai bán dạo đồ mủ, cả gia tài còn lại mỗi chiếc xe cũ, vợ chồng anh đèo nhau rong ruổi khắp các chợ trong huyện đến khu công nghiệp. Hết vốn, sáng bán có lời, chiều lại gọi đại lý gửi thau/chậu theo xe bus. Chăm chỉ kiếm thêm, nhưng đồng tiền vẫn thiếu trước hụt sau. Mỗi cái thau, anh lời 4.000 đồng, nhưng buôn bán bữa đắt – bữa ế, chưa kể có hôm vợ chồng phải thay phiên nhau chăm bé Lộc ốm đau.

Đồng tiền ít ỏi đó, ngoài lo cho con, vợ chồng anh Phong còn chăm sóc cho ông ngoại bé Lộc bị tai biến (tiêu tiểu không tự chủ, khó khăn đi lại) nên bà ngoại phải chăm sóc cho hai ông cháu. Mỗi tháng còn thêm khoản phí khoảng 1 triệu đồng cho bé Lộc tái khám, lấy thuốc.

Căn phòng nhỏ trống huơ trống hoác sau cơn bạo bệnh của bé Lộc

“Tôi cũng có chạy xe đêm để kiếm thêm, nhưng bữa đực bữa cái. Hôm nào có anh em biếng chạy xe thì tôi mới có cơ hội chạy thay. Dù bây giờ phải thức đêm, thức hôm, cực khổ mấy cũng không ngại, miễn là làm ra đồng tiền chân chính lo cho con. Bởi vì bệnh của bé Lộc không biết đến khi nào lại tái phát. Vì vậy, vợ chồng tôi cố gắng gói ghém để phòng hờ sau này.

Nói gở, nhưng nếu chẳng may con lại ngã bệnh, tôi sẽ bán luôn chiếc xe còn lại để lo cho con. Khi đó chỉ có 2% cơ hội sống, còn nước còn tát, dù có thành người thực vật cũng chấp nhận. Kết quả là giờ con khỏe mạnh bình thường, được đi học, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lức là vợ chồng tôi mừng lắm rồi. Trước đây thằng bé ốm nhom, ít nói, giờ lại hoạt bát như vậy”.

Đôi vợ chồng buôn gánh bán bưng, nhưng vẫn tràn đầy hy vọng

Cho dù cuộc sống “đắp đổi qua ngày”, anh Phong khẳng định sẽ ráng cho con đi học. Mong ước của gia đình anh thiệt nhiều. Đã từng nghĩ đến mua tivi, tủ lạnh. Đã từng muốn sửa lại phòng cho con có chỗ tươm tất đi ra đi vào. Nhưng tất cả đều tạm gác lại. Điều mong cầu duy nhất của gia đình anh Phong lúc này là bé Lộc khỏe mạnh, anh chị có sức khỏe để tiếp tục lao động cho con con, cho ba mẹ già.

Anh Phong nói: “Bé Lộc là tài sản lớn nhất của hai vợ chồng. Lời cầu nguyện của tôi đã thành hiện thực, vì vậy sau khi về nhà, vợ chồng tôi ăn chay như lời đã hứa. Tất cả sự mong cầu bây giờ là sức khỏe của con”.

Nguồn: Alobacsi.com

Share:

Leave your comments